Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật là rất cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu đó Trung tâm giống cây trồng Nghệ An triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng Hữu cơ giống lúa Hương thuần 8” tại các huyện Yên Thành, Nam Đàn. Mô hình nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác canh tác phương thức đến người dân. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được thực hiện phù hợp với chủ trương của tỉnh cũng như định hướng chung của ngành Nông nghiệp hướng tới.
Mô hình được triển khai với quy mô 3 ha trên giống Hương thuần 8, Yên Thành 2 ha và huyện Nam Đàn 1 ha, phương thức gieo cấy là máy cấy mạ khay. Mô hình sử dụng 100% Phân bón hữu cơ Hoàng Anh của Công ty cổ phần Hoàng Anh, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Qua kết quả theo dõi cho thấy mô hình cho thấy sản xuất lúa theo hướng Hữu cơ mang lại nhiều lợi ích: Về năng suất: quần thể ruộng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đồng đều, bộ lá xanh bền đến lúc thu hoạch cây lúa cứng cây sạch sâu bệnh, năng suất đạt 2,5 tạ/sào. Về mặt môi trường, sinh thái: Sử dụng 100% phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng, … cùng sinh sống trên ruộng lúa. Về mặt xã hội: Không sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, phân hóa học nên sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Về mặt nhận thức: Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.